Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Cuộc chơi thành công của Minh Long I




Từ Sài Gòn lên Bình Dương, người đi có hai ấn tượng: con đường rộng rãi, trật tự, khoáng đạt hơn, bỏ lại phía sau những nút giao thông lập thể khá rối loạn. Những hứa hẹn những khu công nghiệp lớn với các cuộc đình công của công nhân đã được nghe tới nhiều hơn. Chính vì thế, ấn tượng mới lạ thứ hai là những dãy chum vại đồ sành sứ chất đống bên đường. Xứ sở của yên tĩnh, tỉ mỉ nghề thủ công mỹ nghệ. Người đi nhiều đã từng đến Bát Tràng ở phía Bắc thì nhớ lại các ngõ phố lọ lem than đất, các bức tường biến thành “sân phơi dọc thẳng đứng” vì bám chi chít các miếng than tròn không đủ sân phơi. Vì vậy, khi đừng chân tại trụ sở của Gom su Minh Long 1, sau khi đi qua tòa nhà khổng lồ show room gốm sứ Minh Long I trong tòa nhà Minh Sáng Plaza - chưa hề thấy ở đâu nhiều đồ gốm sang trọng, tinh xảo đến thế - để đến các xưởng sản xuất sạch sẽ, yên tĩnh – sẽ là ấn tượng ngạc nhiên thứ ba. Cứ tưởng nơi làm gốm sứ thì phải bộn bề nhem nhọ, nhưng ở đây, máy móc của Minh Long có nhiều cái giá cả triệu đô. “Ra vào phân xưởng mà quên thế thì đến cả tôi cũng phải đứng ngoài không được vào” – đó là lời của ông chủ nổi tiếng Lý Ngọc Minh, người đã được hơn trăm người viết chân dung. Những xưởng rộng trên cả 1 ha ấy gọn gàng và ghi dấu tính cụ thể, cẩn trọng của người Hoa bằng nhiều khẩu hiệu. Không có “Quyết tâm phấn đấu” gì cả - cái đó không phải nói. Khẩu hiệu ở đây là cách lao động. Thí dụ: “Dễ nhìn, dễ thấy, dễ lấy”, “Ngăn ngừa dơ bẩn tận gốc để không phải dọn”…

 

Không giống các ông giám đốc dẫn khách đi tham quan chỉ chăm chú vào khách, ông Minh như “mặc kệ” cho họ nhìn ngắm, còn ông nhanh như cắt len lõi vào giữa các máy móc, trao đổi, săm soi từng công việc với người thợ. Ông tranh thủ làm một công đôi việc. Nếu khách không được tiếp ở văn phòng Sài Gòn mà phải tới tận Bình Dương là rất có lý do. Phải thấy xưởng, và thấy ông chủ của nó không thích rời xa để nói năng trên giấy tờ.

Ông tự nhận mình là người thế nào? Không là doanh nhân thành đạt, chỉ là một gã rong chơi, đam mê và đỏ vận. Thế mà ông bận rộn như vậy, sao có thể là “gã rong chơi”?

Ông nói: “Người ta xem công việc là áp lực, với tôi, là trò chơi. Một trò chơi có áp lực và chơi mới đam mê. Làm việc là chán ngấy”. Chơi của ông là có sản phẩm mới, đột phá ngạc nhiên. Thí dụ, muốn ra một sản phẩm có kiểu dáng phù hợp làm quà tặng cấp Nhà nước, những người ở chùa muốn sản phẩm mang dáng vẻ thiền chẳng hạn. “Những thách thức ấy khiến tôi phải theo đuổi làm tới cùng. Giống như đi săn, có con chim hay quá mà để sổng mất có tức không? Bắt hụt. Giống như cử ta được 250 kg nhưng tạ nặng 300 kg. Phải kỹ xảo chuyên môn thế nào. Có những lúc nghỉ không ra con đường nào. Nếu muốn đi hướng Tây, không đi thẳng được. Qua núi không được, phải qua sông, không đi sao tới. Chơi là có thách thức thi đấu và nó mới đem đến thú vị, bất ngờ.

 

Ông Minh cho rằng mình “chơi thành” và nói đến may rủi, là do tính chất nghề gốm sứ. “Lò đốt ra thế nào, may rủi nhiều lắm”. Ông vui vẻ phân tích, lý giải cái may rủi. Người ta làm ra bao máy móc, có cơ quan nghiên cứu đoán mưa nắng rồi, nhưng vẫn cứ động đất như thường. Vậy con người hữu hạn, kiến thức chưa đạt tới, thì vẫn chịu may rủi. Dù cái lò nung là sản phẩm khoa học, nhưng vẫn hồi hộp ngạc nhiên mỗi khi sản phẩm ra lò. Làm gì cũng phải có năng khiếu bẩm sinh, chứ có phải ai cũng làm được bác sĩ… Mà chính ông bác sĩ cũng không biết mai mình bệnh gì… Nhưng có một câu ông nói hoài: Phải cố hết sức mình đã, không chờ sung rụng. Như là: không mua vé số, làm gì trúng số. “Tận nhân lực, tri thiên mệnh”, người làm nhiều thì xác suất thành công nhiều hơn. Tạo hóa công bằng ở chỗ đó, làm nhiều thì cơ hội nhiều hơn. Nếu cố gắng hết mình thì dù thất bại cũng cảm thấy an ủi, không buồn trách ai và thực sự phải phấn đấu.

Nhưng một câu hỏi luôn đặt ra trong đầu người thưởng thức đồ dùng gốm sứ Minh Long 1 tinh xảo mà có hồn như đang nói chuyện – là người chủ của nó. “Đi trên con đường kỹ thuật mà có cái nhìn xa đến nghệ thuật” – lời giáo sư Trần Văn Khê, biến hàng tiêu dùng thành sản phẩm văn hóa được nâng niu. Làm được điều này, ông Lý Ngọc Minh phải là nhà kỹ thuật, nhiều xảo thuật và đích thực là nhà tạo mẫu sáng tạo không ngừng.

Hàng ngàn chủng loại sản phẩm, từ bộ đồ ăn, ấm trà cho tới quà tặng cỡ quốc gia cho các nguyên thủ thế giới, các cúp độc đáo nổi tiếng “Vì người nghèo”, Hội nghị APEC cho đến phù điêu và hàng gốm sứ mỹ nghệ. Người ta đi từ Sài Gòn xa 25 km để đến với showroom mỗi ngày tới 600 người để thích thú với vòm trời lồng lộng 81 con hạc bay và 81 con cá đẹp tuyệt. Nhưng sản phẩm nào là hạng nhất, là tiêu biểu Minh Long, đó là câu hỏi khó trả lời. Bởi tính nhẩm ra, một năm Minh Long 1 đã gửi khắp thế giới các “câu chuyện gốm sứ” chứa trong sản phẩm của mình làm từ 3 đến 5.000 tấn vật liệu. Riêng hàng xuất khẩu đã có tới 3.000 mẫu mã khác nhau. “Sản phẩm nói được đạo đức người làm ra nó. Bởi nó tự giới thiệu được kiến thức, văn hóa, tính sử dụng, độ bền. Đấy là người sản xuất đã nghĩ đến người khác. “Đừng để bị mắng vốn là thiếu chữ tín, thiếu đạo đức kinh doanh”.

Cái gì là phẩm chất tài năng Minh Long trong ngần ấy sản phẩm không đếm xuể ấy? Ông Minh bảo, ông không đánh giá, chỉ nói một số điều cố gắng của mình: Có mấy đột phá. Những điều mà người khác làm được thì Minh Long làm được hết rồi, không kể. Nhưng niềm tự hào của Minh Long là màu. Kỹ thuật màu nói chung, vẽ màu trên nhiệt độ cao tới 1380 độ không ai làm được. (Đây không phải là lời ông Minh, mà là nhận xét của các chuyên gia Đức ở một hãng gốm sứ có thương hiệu 250 năm. Thậm chí, họ còn nói: Thách cũng không có kỹ sư Đức nào làm được).

Ông Minh và nhiều người sành điệu đều say mê những màu đỏ thắm, bóng trong, màu xanh vua, màu đỏ cung đình huyền thoại. Có những loại gốm sứ về nguyên tắc, không ai dám vẽ màu lên, vậy mà Minh Long vẽ.

Cái thích của người bình thường là nhìn ưng ý, còn cái thích của ông Minh – nhà nghiên cứu sáng tạo – là cái gì khó cũng làm được. Đỏ cung đình quý phái và màu xanh vua, xanh sau cơn mưa là hai màu vất vả làm lâu nhất, ai trong nghề cũng ao ước mà không làm được.

TÀI NĂNG NÀY ĐÃ ĐẾN NHƯ THẾ NÀO?

Gia đình ông đã 3 đời làm gốm sứ Bình Dương nhưng đến hậu duệ đời thứ 3 là ông mới thành công vang dội, làm rỡ ràng gốm sứ Việt Nam. “Thời ông nội qua đây, khoảng những năm 1910 – 1920, xa xưa lạc hậu quá. Nhu cầu thị trường thấp vì người dân chỉ lo ăn no, không đẹp đẽ se sua. Đến đời cha thì chiến tranh, lạc hậu, kiến thức, thông tin không có”. Ông nhớ, ông được cha dắt đi xem triển lãm của hãng sứ Lái Thiêu. “Có chú Siêu – người đầu tiên canh tân theo kiểu Nhật. Xây lò, đốt dầu, có máy chẻ củi. Nhìn những chiếc chén của chú Siêu đặt cạnh chén Nhật con thua, nhưng Nhật 10 thì chú cũng được 6 – 7. Không biết sao lúc đó – 12 tuổi – tôi đã ao ước và nghĩ lớn lên mình sẽ làm cuộc cách mạng này. Không biết sao, còn con nít mà ý nghĩ ấy đeo đuổi tôi hoài. 16 tuổi, nghỉ học do ba mất, mẹ bệnh. Tôi lao vô làm. Có một ông lớn tuổi lối xóm nghiên cứu, có cuốn sách ông bỏ không xài nữa, tôi xin về đọc”.

Thế là từ cuốn sách nhỏ về kỹ thuật của người Hoa ở Hong Kong, trong đó có vài chương sơ đẳng dạy màu gốm sứ ấy, cậu bé Minh Long mở phòng thí nghiệm. Keo, lọ, chai nước tương đững axít, chiếc cối cà, ống hút. Cậu đứng suốt 3 năm trong cái kho đất chỉ có mấy cái cột cây chọt vô tường xếp đồ nghề ấy để tìm màu. Cùng với người bạn Dương Văn Long nghiên cứu, đam mê và thành công. Họ bắt đầu có thị trường. Nhớ về thời ấy, ông bảo: “Có năng khiếu. Có sách, sách cũng như lý thuyết bắn súng cơ bản điểm tựa, còn bắn lúc nào, thở thế nào là đột phá riêng của người bắn. Tôi ít học, sau này phải tự học kinh khủng lắm. Nhưng lúc đó cũng còn may. Tôi không bị áp vào cái khuôn của trường học, biết nghĩ cách khác. Giống như nuôi con cá, từ giống, thức ăn, ánh sáng, nước, tăng màu sắc, ăn thua người chơi nhiều xảo thuật chứ không phải kỹ thuật”.

Nhìn cơ ngơi Minh Long 1, người ta dễ nghĩ tới vai trò của công nghệ hiện đại. Cái đó đúng, nhưng ông bảo “Máy móc ai cũng mua được hết. Có máy móc, mời chuyên gia dạy, cho công nhân ra nước ngoài học. Nhưng quan trọng phải có kiến thức, cần rất nhiều kiến thức. “ Tôi học lớp 3 trường làng, không tới lớp 4, tiếng Hoa lớp 5. Nhưng tôi tự đọc sách” ông đọc những gì? Cái gì không biết là đọc. Kiến thức phổ thông cơ bản, ngành in, ngành báo. Như người nấu ăn, nếu anh biết nấu rất nhiều món thì dễ tìm ra món ngon hôn. Nhật có bột ngọt. Tây có bơ. Việt Nam có nước mắm. Thí dụ vậy, rất nhiều nguồn kiến thức. Đã có thời gặp ai, ông cũng hỏi về kiến trúc đặc trưng, hoa văn bản sắc Việt. Sau này, hay nói đúng hơn là bây giờ, mỗi tháng ông đều đi nước ngoài lo việc kinh doanh, như trước kia ông ra Hà Nội, Huế, Hội An và các danh thắng phái Nam để tìm ra chất cổ kính. Rồi đi xứ người, đi Ý, đi Trung Hoa – vương quốc gốm sứ, đến Pháp, Hàn Quốc để tìm ra chất hiện đại. Tức là ông đi tìm cái hồn cho gốm sứ của ông, tìm những câu chuyện không lời mà bộ ly, ấm trà, chén đĩa, lọ gốm có thể nói chuyện với chủ nhà, là tình yêu của nó với chủ nhà.

 

Bây giờ không biết bao nhiêu trăm nhà trên thế giới dùng đồ Minh Long, bởi 70% sản phẩm của Minh Long dùng cho xuất khẩu. Cho nên có người muốn biết ông Minh đã có lần nào ra nước ngoài, vào cửa hàng ăn, dùng gốm sứ Minh Long không, ông thấy thế nào. Ông bảo không có gì đặc biệt, kể cả chuyến đi của Chủ tịch nước ghé tiệm phở ở Mỹ cũng dùng tô Minh Long. Những nhà hàng, khách sạn lớn ở Đức, Hà Lan, Tiệp dùng rất nhiều. “Không có gì ngạc nhiên cả. Bởi năm 1972 đã xuất khẩu bình bông rồi. Bây giờ riêng các con giống cũng hàng chục triệu sản phẩm đi Pháp”. Nhưng cũng ấm lòng lắm, khi có người kể rằng ra tận nước ngoài, đến nhà bạn dùng bữa tối, người ta mở tủ lấy bộ đồ ăn Minh Long vốn chỉ dành tiếp khách quý. Bà nội trợ nói: “Xài đồ Minh Long dễ rửa. Công nghệ nano giúp không bám bẩn, khó trầy, mới hoài, người ta thích”. Một Việt kiều ở Đức còn hiểu chất Minh Long đến độ: “Bịt mắt tôi lại, chỉ sờ thôi tôi cũng biết vì Minh Long bóng nhẵn khác thường”.

Công nghệ cao và tạo mẫu – đó là xác với hồn. Vậy cái xác đầu tiên là đất. Đất Bình Dương có phải đã đủ cho ông tung hoành? “Bình Dương mới có đất sét trắng và đất đen dẻo pha làm lu, khạp. Gần rừng có củi đốt ló. Có suối, triền đồi, dân chịu khó. Đó là yếu tố tạo làng gốm”. Nhưng ông xài đất “của cả thế giới” để sáng tạo “cái xác”. Đất Vĩnh Phú, Ấn Độ… Một phôi đất có 12 đến 16 loại nguyện liệu. Ông lý thú hỏi: “Nếu nó không phức tạp, sao có được ngành sành sứ không bao giờ mai một. NGhề khác còn biến mất, chỉ còn ở bảo tàng như nghề truền thống lưu lại xem, còn gốm sứ duy trì hàng ngàn năm. Không chất liệu nào có thể thay sứ dù có inox, giấy…”.

Ông có thể hỏi lại người đang trò chuyện với mình: Văn minh nhân loại qua thời đồ đá, đồng, sắt rồi đến sứ chứ gì? Không có sứ không có máy bay tàng hình, vật liệu siêu dẫn cách điện. Phi kim loại siêu vật liệu tàng hình, phương pháp chế tạo theo gốm sứ hết. Từ áo giáp chống đạn cho tới sợi dây chịu lực 10 lần thép… Có vẻ ông thuộc cả lịch sử của nó. Vật liệu tốt, công nghệ cao và trang trí tốt, đó là văn hóa nghệ thuật mặc áo cho sứ.

 

Nói về ông Minh, sức tạo mẫu có lẽ vô cùng… Lý sự của ông là: Tôi là một người đam mê. Bắt buộc phải có tiền nhiều mới thực hiện được đam mê. Phải giỏi cái gì để ra tiền? Phải làm nhiều hơn người ta. Thiết kế phải giỏi. Muốn thế phải học. Người ta thiết kế rồi, phải nghiên cứu. Hãng này sao nổi tiếng. Kiếm những người thiết kế Đức, thuê họ dạy (ông cho là kỹ thuật công nghệ thì nhất Đức, còn hình tượng thì nhất Tây Ban Nha, mỹ thuật thì nhiều hãng). Đi vào các hội chợ, các tiệm sách mà tìm. Tư chất năng khiếu không đủ, chỉ mới như vật liệu, như ngọc, rồi còn phải mài, giũa. Người ta làm ra bông hoa không nói chuyện được. Mình phải làm cho nó nói. Như nuôi con chim, nó biết nói, ta có nhiều tiền hơn, bởi đâu dễ dạy nó nói. Sản phẩm vô tri, phải đưa văn hóa mình vào, bởi cái đó mình giỏi hơn. Cho nên dù tôi người Hoa, làm sao tôi giàu được, tôi không thể làm văn hóa Trung Hoa bằng họ được.

Dân tộc, nhưng quốc tế, nhân loại. Nói ngôn ngữ nào ở gốm sứ Minh Long cho thế giới hiểu được? Đó là mối quan tâm của ông Minh. Nói đó là chất tây, không đúng. Hỏi ông thế nào là chất quốc tế? Khéo tay chăng? Ông lắc đầu: chữ khéo hỏi hoài không trả lời được. Thí dụ, chiếc ghế đóng khéo là phải chính xác, rồi đường cong nét lượn. Đòi sự học uyên bác. Cái áo vest, sơ-mi ai thấy cũng thích, đó là quốc tế. Hoa văn, tài nghệ đỉnh cao, hoàn thiện hết, không đề phô, không còn sửa gì được. Đó là quốc tế. Ông đã biến văn hóa Việt Nam vừa rõ ra Việt Nam lại vừa quốc tế là theo con đường ấy.

Nhưng ông Lý Ngọc Minh cũng phải trải qua nhiều chuyện “nhớ đời” – chứ dùng thất bại lại không chính xác.

Tự thiết kế một cái lò, ông ước mơ một đốt phải đều, như ý, vì lò củi rất khó đạt. Gas, điện lúc đó chưa có. Ông muốn có cái lò ngọn lửa phải phục tùng, nên thiết kế lò bằng để dễ chất sản phẩm. Bên dưới có đường lửa, ống hút khí. Về lý thuyết đúng hết. Nhưng nung phải đốt tới 3 – 4 ngày, không ngủ tí nào. Buổi chiều ngày thành công, ông chở vợ về nhà, chạy ngang rừng cao su, “tôi mới hiểu sao người ta nói ngủ trong bụng”. Mắt mở, xe chạy, “bụng” ngủ. Ông té ngã, quăng bà xã tưởng bể bụng bầu. Và cái lò đó đi vào lịch sử: dân Bình Dương áp dụng lò này rộng rãi.

Lần thứ hai xém chết là ông xây hồ nước. Tiết kiệm xi-măng nên nước cứ rịn ra. Ông là một người thợ đứng coi nghĩ cách, vừa bước vào nhà thì nguyên bức tường đổ ập, bay cả mấy người. Ông không việc gì.

Thêm một chuyện nữa thì đủ để ông bảo: “Số của tôi trời chưa cho đoản mệnh vậy”. Nung sản phẩm men thù bị chảy, phải dùng đá mài. Mô-tơ vận tốc cao không có, thấy anh thợ mài chậu, ông bảo để ông mài thử bộ ấm trà. Một tiếng nổ lớn. Dòm xuống, tay còn cầm mấy mảnh, dòm lên thấy đứt cả máng xối. Dưới chân ông có tới 2 tảng đá. Vậy mà sao ông không hế hấn. “Số tôi gắn với nghiệp này”, ông bảo.

 

Phía sau sự nghiệp của ông là bà xã và 4 người con du học Canada đã về cùng phụ giúp cha. Vợ ông – dáng người nhỏ nhắn, gầy gò nữa, nhưng “trước đây, bả trực tiếp lao động, lọc men, vất vả. Sau này lo tài chánh, tiền bạc bả xoay”.

Ông vẫn “rong chơi” theo kiểu của mình: trước hết phải làm. Sáng dậy làm việc riết tới chiều, phải đương đầu với lạm phát. “Lúc khó khăn bão tố không ai căng buốm ra khơi. Tôi cũng vậy, dù do xuất khẩu là chính nên không bị ảnh hưởng nhiều. Hàng vẫn ổn, tăng doanh số nhưng trong cảnh khổ chung: giá nhiên liệu tăng, lương công nhân tăng. Nhưng mình có tăng giá sản phẩm không?”. Bài toàn tăng giá ai cũng biết làm nhưng Minh Long chấp nhận không tăng, chỉ điều chỉnh sản phẩm, từ lúc ra đời đến nay vẫn giá cũ như bộ đồ trà. Chữ Tín của người Hoa, theo ông, là “do hoàn cảnh thôi, ra xứ người sống, đặc thù hơn người mới tồn tại được. Hồi nhỏ tôi cần khuôn thạch cao, tới hãng Đức Phát xin mua thiếu, ông chủ hỏi: Ba mày là ai? Khi nghe đáp, ông bảo: Con ông Lý Kim hả? Ba mày đàng hoàng, cứ lấy bao nhiêu cũng được”. Người bây giờ thì bảo: “Minh Long nói, không cần giấy, hứa nói miệng cũng giữ”. Hỏi ông bây giờ có mơ ước sáng tạo thêm gì “hoành tráng” hơn nữa không, ông cười bảo:

-  Ước mơ nhiều lắm. Năng lực và sức khỏe có hạn, phải để như từng màn hát cho người ta ngạc nhiên, màn kế chừng nào diễn thì coi. Như ông Trương Nghệ Mưu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét